Trong loạt bắn cuối cùng, VĐV nước chủ nhà đã thi đấu rất thành công và giành được 10,2 điểm. Nếu muốn giành thắng lợi, Hoàng Xuân Vinh buộc phải bắn ít nhất 10,4 điểm, một điều rất khó nếu biết rằng những phát bắn trước anh chỉ được trên 9 điểm.
Nhưng trong giây phút quyết định anh đã làm được hơn thế với phát bắn mang về 10,7 điểm. Ống kính truyền hình đã quay thấy rất rõ sau phát bắn của Xuân Vinh, VĐV nước chủ nhà thay vì buồn rầu đã vỗ tay không ngớt thán phục viên đạn cuối cùng của xạ thủ Việt Nam.
Còn Hoàng Xuân Vinh, người ta vẫn nhìn thấy rất rõ sự điềm tĩnh một cách kinh ngạc của xạ thủ . Để có được sự điềm tĩnh ấy, anh đã phải kiên trì trui rèn cho mình một tinh thần thép suốt hàng chục năm của cuộc đời.
Nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh: |
Hai lần mất mẹ của chàng trai "cao chưa nổi mét sáu"
Trong làng bắn súng Việt Nam, Hoàng Xuân Vinh vẫn được mọi người nhắc đến như một "dị nhân" không chỉ bởi anh đến với bắn súng khá muộn, năm nay cũng đã bước qua tuổi 41, mà ở ý chí, sự kiên trì đến không tưởng của anh khiến tất cả đều phải kinh ngạc.
Xuất thân trong một gia đình nghèo, bố là bộ đội tập kết ra bắc, mẹ làm công nhân, đến năm 3 tuổi anh đã phải chịu nỗi đau mồ côi mẹ. Sau đó, Xuân Vinh ở với mẹ kế, nhưng cũng chẳng bao năm thì người mẹ thứ 2 của anh cũng qua đời.
Nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh: |
Phải sống trong cảnh khó khăn, nên Hoàng Xuân Vinh không có được điều kiện như những bạn cùng trang lứa, ngoại hình còi cọc và vẫn bị các bạn trêu là "chàng trai chưa cao nổi mét sáu" khi đã kết thúc cấp ba.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, Xuân Vinh quyết định nhập ngũ, và mãi đến năm 1994 mới bắt đầu theo nghiệp bắn súng sau gần 2 năm sống trong môi trường quân đội.
Bị xem là không phải là nhân vật tiềm năng khi đến với bắn súng muộn, lại mất 5 năm sau mới có thể giành được HCV đầu tiên trong sự nghiệp. Nhưng chính nhờ sự kiên trì, ý chí hơn người mà từ đó, chàng sỹ quan sinh năm 1974 này cứ từng bước một cách chậm rãi tiến trên con đường sự nghiệp của mình.
"Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, thép đã trở nên cứng rắn hơn". Thời gian để tôi luyện nên một Xuân Vinh ý chí thép như bây giờ kéo dài hàng chục năm, và chính quãng thời gian kéo dài như thế càng khiến người ta phải thán phục, ngưỡng mộ sự bền bĩ của chàng Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Viên đạn lập nên lịch sử
26 năm theo nghiệp bắn súng chuyên nghiệp, những nỗi đau từ các thất bại của Hoàng Xuân Vinh còn nhiều hơn cả những chiến thắng. Asiad 2010, trong viên đạn cuối cùng của mình, cơ hội huy chương vàng rất cao, nhưng anh đã tụt mất khi để súng bị cướp cò.
2 năm sau, tại Olympic London 2012, Hoàng Xuân Vinh cũng tràn trề cơ hội giành tấm huy chương ở nội dung 50m súng ngắn tự chọn. Ở phát bắn cuối cùng, anh chỉ cần làm một việc rất đơn giản là bắn vào ô 8 điểm là chắc chắn có được tấm HCĐ. Nhưng rồi ở lần bắn quyết định, viên đạn định mệnh đã tước đi tấm huy chương của Xuân Vinh khi anh chỉ bắn vào ô 7,2 điểm, để rồi về thứ 4 chung cuộc.
Dù lúc ấy, hạng Tư Olympic đã là kỳ tích của bắn súng Việt Nam, nhưng với riêng anh đó là thất bại không thể chấp nhận. Và kể từ sau thất bại ấy, người ta được chứng kiến một Hoàng Xuân Vinh kiên trì đến lập dị.
Giây phút vinh quang khi kết thúc lượt bắn cuối cùng của HXV |
"Không có bất kỳ điều gì có thể hạ gục được anh ấy"-Một thành viên trong đội tuyển bắn súng đã nhận xét như thế và chàng sỹ quan quân đội. Xuân Vinh đã lao vào tập như điên một cách không ai tưởng tượng nổi. Ít ai biết rằng, để khắc phục điểm yếu tâm lý trong giây phút quyết định, Xuân Vinh đã tập đứng yên một chỗ, không nói năng gì trong suốt 3 tiếng đồng hồ.
Và rồi chỉ 1 năm sau, Hoàng Xuân Vinh đã khiến cả thế giới kinh ngạc và gọi là hiện tượng khi lập kỷ lục bắn 20 phát đạn đều trúng điểm 10, thậm chí viên đạn cuối còn được 10,7 điểm. Các chuyên gia quốc tế không hiểu tại sao một xạ thủ quanh năm tập luyện với bia giấy tại Việt Nam rồi ra quốc tế thi đấu đến bia điện tử với đặc thù, đòi hỏi hoàn toàn khác lại có thể vươn tới đỉnh cao như vậy.
Trung bình mỗi ngày Xuân Vinh chỉ được cấp khoảng 100 viên đạn, bằng khoảng 1/5 so với các đấu thủ thế giới. Để có thể đủ đạn cho một buổi tập bắn tập, có khi Xuân Vinh phải chấp nhận vài ngày tập chay. Tất cả chỉ có thể lý giải bởi quyết tâm, nỗ lực cao độ cùng sự bền bỉ hiếm có của xạ thủ có gốc là lính công binh ấy.
Trong trận chung kết Olympic vừa qua, ở viên đạn cuối cùng, Xuân Vinh phải bắn được ít nhất 10,4 điểm mới có thể chiến thắng, người ta thấy được sự tập trung tuyệt đối của Hoàng Xuân Vinh, và anh đã bắn được tới 10,7 điểm để đánh bại đối thủ nước chủ nhà trong tiếng vỗ tay thán phục của các CĐV Brazil và từ chính đối thủ.
Để có được viên đạn quyết định lịch sử ấy, Đại tá Hoàng Xuân Vinh đã mất cả cuộc đời mình để rèn luyện và vượt qua nghịch cảnh, và cũng vì điều đó mà càng khiến anh trở nên vĩ đại hơn.
Lê Thương
Theo: Trí Thức Trẻ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét